Để thể hiện sự quan tâm đến bệnh nhân đã điều trị Gamma Knife tại Trung tâm Ung Bướu và giúp bệnh nhân nâng cao hiệu quả điều trị, TT YHHN và Ung Bướu Bệnh viện Bạch Mai kết hợp với Công ty Med-Aid tổ chức buổi chia sẻ giữa bác sĩ và các bệnh nhân đã điều trị Gamma Knife tại Trung Tâm Ung Bướu vào ngày 30/06/2016
Buổi tọa đàm có sự góp mặt của Giáo sư Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cùng một số Tiến sĩ, Bác sĩ trong trung tâm: Tiến sĩ Phạm Cẩm Phương, Tiến sĩ Phạm Văn Thái, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng, Thạc sĩ Vương Ngọc Dương, Bác sĩ Lê Viết Nam… cùng nhân viên phòng Lâm Sàng, phòng Xã Hội Hóa, Công ty Med-Aid và gần 60 Bệnh nhân cùng người nhà
Hình 1: Tiến sỹ Nguyễn Quang Hùng trình bày về chỉ định trong xạ phẫu bằng dao Gamma quay
Trong buổi tọa đàm các Bác sĩ đã trình bày báo cáo về sự ra đời, nguyên lý hoạt động, tính ưu việt, chỉ định, chống chỉ định về Xạ phẫu dao Gamma quay, các triệu chứng hay gặp sau xạ phẫu và một số kêt quả đánh giá trên hơn 3000 bệnh nhân đã xạ phẫu bằng dao Gamma quay.
Như GS. Mai Trọng Khoa chia sẻ: “Rất hiếm thuốc nào có thể điều trị các bệnh trong sọ não của chúng ta là do sọ não có một hàng rào rất đặc biệt nó chỉ cho một vài chất đi qua nên các tổn thương ở não mà dùng thuốc là dường như không có, nhất là các loại u não lại càng không. Như vậy đứng trước khó khăn đó một bác sĩ phẫu thuật thần kinh người Thụy Điển khi gặp những bệnh nhân Ung thư não không thể mổ được hoặc mổ có thể để lại những di chứng vô cùng nặng nề thì sau đó đã ông phát minh ra mổ bằng dao Gamma và được sử dụng lần đầu vào năm 1968. Dao Gamma là gì? Hãy tưởng tượng một cái bánh xe mình sẽ khoan 201 lỗ và đặt vào đó 201 nguồn phóng xạ phát đi phát lại và hội tụ tất cả vào một điểm như thể 201 khẩu súng đều chĩa vào một điểm là khối u mình gọi đó là dao Gamma. Nhưng mà nó cũng có một nhược điểm lớn đó là gây ra tổn thương ở các mô lành xung quanh. Để khắc phục điều này năm 2004 Hoa Kỳ đã phát minh ra loại vừa bắn lại vừa quay đó dao gamma quay dựa trên nguyên lý hoạt động của dao Gamma cổ điển. Đến 2006 thì chính phủ Mỹ cho thử nghiệm trên người và đến 2007 thiết bị gamma quay này được áp dụng”
Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng trình bày về chỉ định trong xạ phẫu bằng dao gamma quay “Phương pháp này chỉ chỉ định cho những tổn thương trên não (trên hộp sọ) những vị trí khác hộp sọ không có chỉ định, chỉ chỉ định những bệnh nhân có u nội sọ (u tuyến yên, u tuyến tùng, u sọ hầu, u màng não, u dây VIII…) và các khối u nền sọ như dị dạng mạch máu não với điều kiện là kích thước khối u phải dưới 5cm. To quá sẽ không làm được do nó phải đòi hỏi bức xạ lớn hơn mà như vậy khả năng bệnh nhân sẽ không chịu được, cho nên quy định quốc tế chỉ định là khối u phải dưới 5cm. Và có thể xạ phẫu cho 3 tổn thương cùng một lúc với các nhóm tuổi đa dạng kể cả những bé còn rất nhỏ (2,5 tuổi). Chống chỉ định với phụ nữ đang có thai”.
Tiến sĩ Hùng cũng nói chi tiết về các triệu chứng hay gặp sau xạ phẫu bằng dao Gamma quay: “Khi chiếu tia thì ít nhiều xung quanh mô não lành cũng bị chấn động có thể gây phù nề xung quanh nhưng sau điều trị nội khoa thì những phù nề nó giảm đi và khối u co lại. Triệu chứng hay gặp nhất là: đau đầu, buồn nôn, mất ngủ, mệt mỏi, chán ăn, co giật, yếu nửa người, nhìn mờ… tùy theo vị trí khối u mà chúng ta có thể gặp những tổn thương ở đâu thì sẽ có những triệu chứng khác nhau ở đó. Trong cơ thể quy định mỗi một vùng não thì có một chức năng khác nhau dẫn đến tổn thương ở đâu sẽ biểu hiện triệu chứng lâm sàng ở đó và triệu chứng lâm sàng tăng lên hay giảm đi thì bệnh nhân là người nắm rõ và phản hồi tốt nhất cho bác sĩ điều trị của mình”
Cuối cùng các Bác sĩ đã khẳng định: “Xạ phẫu bằng dao Gamma quay là một phương pháp tương đối an toàn nhất để điều trị Ung thư não so với các phương pháp khác, và cũng là phương pháp được lựa chọn nhiều nhất mang lại hiệu quả lớn nhất và cải thiện được triệu chứng lâm sàng (giảm khối u, kéo dài thời gian sống) tốt nhất”.
Ngoài ra, trong buổi tọa đàm các Bệnh nhân/người nhà người bệnh cũng đã được đặt các câu hỏi hay thắc mắc của mình cho các Bác sĩ bằng cách hỏi trực tiếp hoặc ghi ra phiếu đặt câu hỏi. Các bác sĩ đều đã tận tình trả lời tất cả các câu hỏi đưa ra và phân theo các nhóm bệnh.
Hình 2: Bênh nhân và người nhà trong buổi tọa đàm
Theo thống kê, tổng số các câu hỏi qua phiếu đặt câu hỏi là 22 câu, cụ thể được mô tả qua biểu đồ sau:
Hình 3: Biểu đồ các câu hỏi trong buổi tọa đàm
Cụ thể, dưới đây là trích dẫn một số câu hỏi của bệnh nhân và câu trả lời của các Bác sĩ trong buổi tọa đàm:
- Hỏi: U tuyến yên có liên quan đến tuyến giáp không, hiện tại có xạ phẫu Gamma được u tuyến giáp không? Cách đây khoảng 2 tháng thì tôi đau khớp gối bên trái khi đứng lên ngồi xuống như vậy có sao không? (B.T.K, 44 tuổi, xạ phẫu ngày 24/12/2015, u tuyến yên- đã từng mổ mở)
- Trả lời (Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng): Tuyến yên là một tuyến nội tiết, ví dụ như trong cả một hội trường này tôi đang là nhạc trưởng tức là tôi đang là tuyến yên, nghĩa là trong một dàn nhạc thì tuyến yên là nhạc trưởng, tuyến giáp và các tuyến nội tiết khác là nhạc phó thôi chứ tuyến yên sẽ chỉ huy hết các tuyến nội tiết khác như tuyến sinh dục, tuyến giáp…Vậy giờ làm sao để khống chế được khối u mà các tuyến nội tiết không bị thay đổi? U tuyến yên không phải là chèn hết cả tuyến yên nếu chèn hết tuyến yên là suy yên ngay nên phải giữ được tuyến yên để đảm bảo nó còn chức năng của tuyến nội tiết. Ngoài ra, trường hợp của chị đã mổ mở rồi nên đã suy tuyến yên do vậy giờ nó kém rồi thì mình cần theo dõi điều chỉnh hormone để giảm thiếu hụt hormone. Còn đau khớp thì cũng có thể như những người khác đến tuổi thoái hóa khớp.
- Hỏi: Sau xạ phẫu 2 tháng tôi có hiện tượng buồn nôn, chóng mặt, đi khám lại thì được bác sĩ kê đơn thuốc về nhà điều trị nhưng sau 1 ngày không dùng thuốc là triệu chứng trên lại quay lại và mặt có hiện tượng phù nề. Xin hỏi bác sĩ dùng thuốc mà hiện tượng như vậy thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Vào ngày 10/5/2016 bố cháu có đi khám lại và chụp MRI sau khi về có thêm triệu chứng là ăn uống rất đắng miệng, cục lưỡi có vị chát, xin hỏi bác sĩ có biện pháp gì khắc phục các triệu chứng trên không? Bệnh của bố cháu liệu có xạ phẫu lại được không? Nếu được thì thời gian là bao lâu?(NVT, 48 tuổi, xạ phẫu ngày 24/11/2015, u thân não)
- Trả lời (TS. Nguyễn Quang Hùng): Nhiều lúc nói đến u ở hành não các bác chưa tưởng tượng nó ở chỗ nào nhưng mà cả cái đầu to như thế các dây thần kinh đi vào một và tất cả các đường dẫn truyền của tủy sống đều đi qua một chỗ gọi là hành não, vậy thì hành não chứa rất nhiều các bó dây thần kinh nên rất nguy hiểm vì nó liên quan đến chức năng sống còn. Trên cả thế giới về căn bệnh này thì vẫn chưa có phương pháp nào tốt nhất mà chỉ khuyến cáo tùy theo tình trạng người bệnh mà chúng ta có thể lựa chọn phương pháp xạ phẫu với liều như thế nào là hợp lý nhất và cũng tùy kích thước khối u và mong mỏi lớn nhất là khống chế không cho nó phát triển hơn nữa. Liều của nó cũng không được cao và theo đánh giá của chúng tôi bác vẫn có thể làm 2-3 lần với khoảng cách dãn ra là trên 6 tháng. Tuy nhiên kích thước khối u vẫn chưa phải vấn đề, khi kích thước khối u phải cộng với lâm sàng nó xấu đi thì đương nhiên khi đó bản chất của U nó thay đổi rồi. Như vậy tôi khuyến cáo bác nên đăng ký xạ phẫu bằng dao gamma quay lần nữa để hội chẩn xem có làm được lần nữa không và cũng để biết thực chất khối u nó to lên không hay là do phần phù nó to lên.
- Hỏi: Tôi đã mổ Gamma 3 lần nhưng hiện tại tôi thường xuyên tê mặt và mắt bị mờ nhưng bác sĩ Khoa Mắt nói là dây thần kinh mắt bị teo không mở được, đầu đau. Tôi đã Xạ phẫu gamma 3 lần vậy có mổ lại được nữa không? (VPTT, 75 tuổi, xạ phẫu ngày 09/11/2015, U dây V)
- Trả lời (TS. Phạm Văn Thái): Triệu chứng bác tả do nhiều nguyên nhân có thể là kết hợp hoặc có thể là do chính bệnh của bác, nên việc trước tiên là mình phải khám, khám nhiều chuyên khoa như khoa mắt, tai mũi họng và chụp phim. Nếu bác có bảo hiểm bác chuyển bảo hiểm lên và gặp Bác sĩ phòng khám bác sĩ sẽ cho bác làm các xét nghiệm thì khi đó sẽ có hội chẩn chuyên môn chứ giờ cháu chưa trả lời được khi không có đầy đủ thông tin để biết bác nên làm gamma tiếp hay không. Có những người làm lần thứ 4, thứ 5 cũng có nhưng ít dần và khoảng cách như thế nào thì phải dựa vào kết quả khám. Như ở bên Mỹ có người làm đến lần thứ 10, thứ 12 nên bác không phải lo về vấn đề đó nhưng để làm được hay không thì lại phải có thông tin về chuyên môn như kết quả xét nghiệm, chụp, hội chẩn .
- Hỏi: Tại sao tôi đã làm gamma rồi mà kích thước khối u vẫn như cũ nhưng sức khỏe lại trở lại bình thường và hết các biểu hiện như buồn ngủ, sụp mắt. Đề nghị bác sĩ giải thích và cho biết phương pháp gamma có thể có tác dụng được bao lâu?(Vũ Thị Hương, 58 tuổi, xạ phẫu 13/11/2015, u góc cầu tiểu não)
- Trả lời (ThS. Bs. Vương Ngọc Dương): buồn ngủ, sụp mắt là những triệu chứng ban đầu trước khi xạ phẫu thì hết còn đau đầu thì sẽ giảm. Như vậy, các triệu chứng chèn ép dây thần kinh đã giảm đi còn kích thước u thì nó chưa kịp thay đổi theo. Cũng bởi vì mục tiêu điều trị ban đầu là các mô sống không có thay đổi hay ảnh hưởng gì nhiều tới các chức năng, rồi tiếp theo là u nhỏ dần theo thời gian -> đó là mục tiêu chính của việc điều trị
- Hỏi: Tôi muốn xin giấy hẹn khám định kỳ để bệnh viện tỉnh họ cấp cho mình giấy chuyển viện để được xuống khám theo Bảo hiểm? (T.Đ.G, 11 tuổi, xạ phẫu ngày 25/12/2015, U não)
- Trả lời (TS. Phạm Văn Thái): Hiện nay Trung tâm Ung bướu Bạch Mai đang cố gắng làm các thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, tuy nhiên bảo hiểm họ phải làm đủ các giấy tờ hành chính, tài chính liên quan thì mới đồng ý. Ở bệnh viện Bạch Mai chỉ với những bệnh như bệnh ác tính hay ung thư thì khi ra viện Bác sĩ viết giấy hẹn tái khám thì bác chỉ cần photo giấy đó sau đi khám sẽ đi thẳng xuống đây mà không cần xin qua các tuyến trong vòng 1 năm, tức giấy hẹn ghi một lần sẽ dùng cả trong một năm. Còn chẩn đoán không rõ về ung thư hoặc là lành tính thì bảo hiểm không đồng ý tức là khi ra viện chỉ viết được giấy ra viện thôi không viết được giấy hẹn theo bảo hiểm. Còn của cháu nhà mình chắc bác sĩ chẩn đoán là lành tính hoặc không phải là ung thư khi đó bảo hiểm họ sẽ không đồng ý, cái này là liên quan đến chính sách bảo hiểm rồi. Còn của cháu là u não không có giải phẫu bệnh trong khi bảo hiểm quy định là bệnh ác tính khi có giải phẫu bệnh thì mới có giấy hẹn. Còn không chỉ xin giấy hẹn tái khám 1 tháng hay 3 tháng thì đều được vì nó theo quy trình chuyên môn của bệnh viện nhưng giấy hẹn này không có giá trị cho cơ quan bảo hiểm, vì họ đã ốp vào mã bệnh những bệnh được chuyển vào trong danh mục bảo hiểm y tế mỗi bệnh đều có mã code của bệnh đó còn bệnh của cháu không nằm trong đó.
- Hỏi: Tôi đã xạ phẫu gamma được 8 tháng và bây giờ thấy vẫn bị đau nhẹ, cho tôi hỏi là bệnh của tôi có phải là bệnh u ác hay u lành? Thời gian tái phát là bao lâu và tiến triển bệnh này về sau mổ là như thế nào? (V.V.T, 36 tuổi, xạ phẫu ngày 16/09/2015, u não).
- Trả lời (TS. Nguyễn Quang Hùng): U máu thể hang hay còn gọi là u máu trong não là một loại u lành tính chỉ khi nó vỡ ra nó chảy máu thì nguy hiểm thôi còn nếu nó không vỡ thì không phải điều trị nhưng chính vì sợ vỡ nên mới phải điều trị để làm sao nó xơ hóa lại để nó không vỡ nữa. Nó không phải là ác tính, không di truyền và không ảnh hưởng gì đến các thế hệ sau này. Thực chất thì sau điều trị u máu thể hang mà thay đổi thời tiết thì vẫn có thể đau đầu và kể cả các u khác đôi khi cũng đau đầu, sau đó cơ thể dần dần sẽ hết dần
- Hỏi: Tại sao trên thế giới nhiều nước giàu hơn Việt Nam lại không có máy xạ phẫu bằng dao gamma quay? Điều trị U dây VIII khó khăn không? (B.T.D, U dây VIII)
- Trả lời (TS. Nguyễn Quang Hùng): trên thế giới hiện nay có 4 nước xạ phẫu bằng Gamma quay đó là: Việt Nam, Hungary, Mỹ và Singapore. Tại sao ở những nước phát triển hơn Việt Nam lại không có bởi vì trước tiên họ có dao Gamma cổ điển. Về an toàn bức xạ của cục an toàn quy định rằng tất cả những nước sở hữu máy xạ phẫu bằng dao gamma dù là gamma cổ điển hay gamma quay thì phải khi bán rã hết nguồn thì mới xử lý được mà bán rã ấy cực kỳ khó khăn. Vậy thì khi sử dụng thiết bị mà bức xạ nhiều như vậy mà được năng lượng nguyên tử thế giới họ kiểm soát như thế thì không có lý gì họ cấp thêm 1 cái máy mới nữa khi mà mình chưa sử dụng hết ưu việt cho người bệnh. Bởi vì sao bởi vì nó chỉ hơn là nó an toàn hơn về vấn đề là tổ chức mô lành thôi nhưng mà nó đã cấp phép cho hoạt động trên thế giới từ năm 1968 và hội nghị năng lượng nguyên tử cũng như là hội y tế xạ phẫu đã cho phép họ sử dụng nên bây giờ họ không cấp riêng được chứ không phải họ thiếu tiền mua. Còn mình mua sau mình phải lựa chọn cái công nghệ nào nó tốt hơn.
Còn về u dây VIII thì tôi xin chia sẻ với bác là u dây VIII là u điều trị cực kỳ khó khăn kể cả phẫu thuật mổ mở người ta cần phải sử dụng 2 kip phẫu thuật đó là kip phẫu thuật của tai mũi họng và kip phẫu thuật của sọ não, người ta đi từ ống tai ngoài vào trong sọ não lật lên để mổ nhưng tỉ lệ biến chứng do liệt dây VII méo mặt rất cao. Hầu như phẫu thuật mổ mở người ta đạt biến chứng về việc dây VII méo miệng là 98%, vậy khi méo miệng méo một nửa mặt thì bác cảm thấy cuộc sống nó như thế nào? Vậy nên hầu như sau phẫu thuật người ta không lấy hết u mà phải để lại, vậy thì phương pháp xạ phẫu dao gamma quay thì nó như thế nào? Thưa bác là trong tất cả bệnh lý điều trị bằng dao gamma thì những u càng lành tính, u ngoài trục như U dây VIII, hay là U dây V thì tác dụng của nó là kém hơn u khác. Cái mong muốn lớn nhất của các bác sĩ xạ phẫu là khống chế không cho nó phát triển, còn theo thời gian ở cái khoảng thời gian rất xa thì khi mà khống chế khối u thì sự chịu đựng của khối u nó kém đi thì khi đó nó sẽ héo dần héo dần. Nhưng có một giai đoạn nó bị phù nề nó bị phồng lên tức là hoại tử trong khối u thì nó lại lớn hơn nên người ta không mấy khi căn cứ vào kích thước khối u mà người ta căn cứ vào tính chất bắt thuốc và tính chất hoại tử trong khối u để người ta biết rằng phường pháp ấy có hiệu quả hay không? Mà cái lỗ tai bên trong của bác rất bé, u nó chỉ nhỉnh hơn 1 tí là tịt hẳn luôn cái tai và tai bác không nghe thấy gì, vậy thì để cho khối u nhỏ đi 1cm hoặc dưới 1cm bác mới có thể nghe lờ mờ được nhưng nếu khối u nó nằm sâu nằm vút trong ở lỗ xương đá thì cho dù nó còn 0.3 cm thì bác vẫn điếc. Vậy đến khi mà khối u của bác 2 đến 3cm mà bác vẫn muốn nghe được mà trong khi nó còn thò cả vào ống đá nữa thì nó phải rất khó khăn và nó phải rất là bé. Khi một u dây VIII sát ngay góc cầu tiểu não, có dây V và dây VII nó lớn hơn thì nó chèn vào thân não mà thân não là cái vị trí chi phối tính mạng của các bác nó là hô hấp mạch tuần hoàn vậy không thể ngừng thở 5 phút hay ngừng tim vài phút được sẽ tử vong nếu như nó đè bẹp thân não. Vậy thì người ta khống chế làm sao để cứu tính mạng nhằm không đè bẹp thân não, tức là bác để ý trong những cái khó chúng tôi phải nhìn nhận cái lớn hơn chúng tôi không thể kề cận vào cái lỗ tai nghe được hay không nghe được nữa mà chúng tôi phải nghĩ xem cái tính mạng này phải giữ bằng cách nào. Còn nếu như nó không đe dọa tính mạng thì chúng tôi phải tính xem cái triệu chứng phải cải thiện như thế nào, rất mong các bác hiểu để có định hướng trong việc tái khám để theo dõi.
Hình 4: Bênh nhân & người nhà đặt câu hỏi
- Hỏi: Sau khi xạ phẫu Gamma tôi hay có hiện tượng khó thở, tức ngực trong thời gian ngắn (15 phút). Đó có phải là triệu chứng của khối u đúng không? (NTĐ, 54 tuổi, xạ phẫu ngày 03/09/2015, u tuyến yên)
- Trả lời (TS. Phạm Văn Thái): Bác đã chụp tim phổi chưa? Những triệu chứng của bác cũng có thể liên quan đến bệnh của bác vì U tuyến yên liên quan đến nội tiết vì vậy bác nên đi kiểm tra lại
- Hỏi: Tôi đã xạ phẫu bằng dao gamma quay vào 09/10/2015 sau Xạ phẫu khoảng 6 tháng tôi thấy đau đầu nhiều và cứ khoảng 20 ngày thì hết đau. Gần đây tôi cứ thấy như có kiến bò trên nửa mắt và có hiện tượng đau đầu nhẹ. Tôi thấy lo lắng, xin Bác sĩ giải thích giúp tôi (NTĐ, 65 tuổi, xạ phẫu ngày 09/10/2015, U màng não)
- Trả lời (ThS. Bs. Vương Ngọc Dương): Đầu tiên bác phải khám lại để điều chỉnh bằng thuốc nếu đau còn nếu có rủi ro gì thì 3 tháng hoặc 6 tháng bác chụp cộng hưởng từ để xem, còn không nếu mà có vấn đề gì bất thường thì cũng phải chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ để xem có chảy máu khối u? Còn nếu mà chỉ khám lâm sàng thì điều chỉnh bằng thuốc là chủ yếu
- Hỏi: Từ ngày mổ Gamma tới nay nhìn chung sức khỏe tốt nhưng đôi khi trái nắng trở trời thì cháu lại đau đầu, cơn đau kéo dài hết ngày mới dịu lại. Vậy tôi muốn hỏi bác sĩ là có phải cho cháu uống thuốc gì không? Chân tay của cháu hiện nay vận động chỉ được 20% vậy có phải đi châm cứu không và châm cứu ở đâu? Khi cháu ăn cơm cầm bát thì phải lên gân mới được còn đưa ra gắp thức ăn thì gắp được vậy cháu có phải tập gì không? (N.D.K, 17 tuổi, xạ phẫu 22/05/2016, AVM)
- Trả lời (TS. Nguyễn Quang Hùng): Bình thường thì khi trái nắng trở trời thì thường ai cũng đau đầu, có rất nhiều yếu tố gây đau đầu trong khi các bác còn có tổn thương trên não thì lại càng đau đầu vậy triệu chứng đau đầu cũng rất là thường gặp và các bác có thể sử dụng thuốc đau đầu nhưng liều là phải theo chỉ định của bác sĩ.
Châm cứu: thực ra nếu như bị tổn thường vùng vận động ở một vị trí như tay, chân thì sau khi điều trị ổn định vẫn cần tác động vào tứ chi để kích thích cơ vận động tốt hơn để sau này khối u teo đi nó không chèn ép nữa thì chân tay của bác đỡ bị teo và cùng với kích thích dây thần kinh ngoại vi tốt hơn, vì vậy có thể châm cứu được. Nhưng khuyến cáo những bệnh nhân bị u mạch máu thì các bác tránh bia rượu và tăng huyết áp như vậy sẽ tăng lưu động của máu não lên vì vậy chế độ sinh hoạt cần rất là chuẩn. Tránh bia rượu, làm việc vừa phải, và giờ giấc ngủ nghỉ phải ổn để kiểm soát huyết áp.
- Hỏi: Tại sao K phổi hầu hết di căn não, xương? Con đường di căn như thế nào? Mỗi bệnh nhân có thể xạ phẫu gamma quay bao nhiêu lần? Thời gian tối thiểu cho mỗi lần xạ phẫu là bao nhiêu? Thức ăn tốt nhất cho bệnh nhân Gamma quay theo như thực đơn những trong bản tổng hợp về thành phần ăn cho bệnh nhân (N.H.C, 47 tuổi, xạ phẫu 17/12/2015, K phổi màng não)
- Trả lời (TS. Nguyễn Quang Hùng): Ung thư phổi hầu hết di căn vào não và xương là do cấu tạo của cơ thể thôi, tất cả máu qua phổi trao đổi oxy rồi lên não, từ tim mà lên não thì nó rất là nhanh và mạnh vì vậy tế bào ung thư mà bong theo đường máu thì trôi thẳng lên não. Còn máu lên tủy xương thì cũng tương đối là nhiều đặc biệt là xương dài hoặc xương xốp nên tỉ lệ ung thư phổi di căn vào não và xương là nhiều.
Xạ phẫu gamma quay được rất nhiều lần nhưng mỗi lần thì tùy theo sức khỏe của cơ thể, tùy theo kích thước và số lượng của khối u mà chúng ta có thể sử dụng các lần khác nhau cách nhau là bao lâu.
Thức ăn: từ phổi di căn lên não thì gốc của nó là cái phổi chứ không phải não mà não gây ra tỉ lệ tử vong rất là cao nên người ta phải can thiệp tới não nên ăn uống phải vừa kết hợp với bệnh gốc của nó là phổi mà đưa ra chế độ ăn phù hợp. Trừ những chất kích thích như rượu bia thuốc lá … những chất gây cường giao cảm thì nên thận trọng. Còn chế độ ăn khác nữa tùy thuộc vào bệnh gốc nó từ đâu .
- Hỏi: Sau mổ được 11 tháng thì lại còn hiện tượng ù hai tai, hai mắt không nhìn được và mũi không ngửi được, sức khỏe có giảm sút, chân tay đau nhức, thường xuyên mất ngủ. Thưa hỏi bác sĩ vậy tôi có thể xạ phẫu gamma quay lần 2 được không và vào thời gian nào thì được? (V.T.M, 50 tuổi, xạ phẫu ngày 27/07/2015, u màng não)
- Trả lời (TS. Phạm Văn Thái): của chị để mổ được hay không mình phải có kết quả khám tình trạng tổn thương tại chỗ, tiến triển hay không cần khám và chụp phim nữa. Vì nó còn phụ thuộc vào thông tin trước khi điều trị, sau buổi này tôi sẽ cùng BS điều trị của chị - BS Khiêm để trao đổi
- Hỏi: Con tôi có xạ phẫu gamma do bị Hematoma, xin hỏi bác sĩ Hematoma là gì? (K.Đ.T, 4 tuổi, xạ phẫu 20/11/2015, HEMATOMA)
- Trả lời (TS. Nguyễn Quang Hùng): Hematoma còn gọi là bệnh u củ xám bệnh này thông thường xuất phát từ hệ thống củ xám nó cũng có thể xuất phát từ nơi khác của cơ thể nhưng dấu hiệu của nó là dậy thì sớm và hay động kinh, tăng động, nghịch.
- Hỏi: Tôi đã phẫu thuật được 8 tháng và bây giờ thấy vẫn bị đau nhẹ, cho tôi hỏi là bệnh của tôi có phải là bệnh u ác hay u lành? Thời gian tái phát là bao lâu và tiến triển bệnh này về sau mổ là như thế nào? (V.V.T 36 tuổi, xạ phẫu 16/09/2015, u não)
- Trả lời (TS. Nguyễn Quang Hùng): U máu thể hang hay còn gọi là u máu trong não là một loại u lành tính người ta chỉ xuất hiện nguy hiểm khi nó vỡ ra nó chảy máu thì nguy hiểm thôi còn nếu nó không vỡ thì không phải điều trị nhưng chính vì sợ vỡ nên mới phải điều trị để làm sao nó xơ hóa lại nó không vỡ nữa. Nó không phải là ác tính, không di truyền và không ảnh hưởng gì đến các thế hệ sau này cả. Thực chất thì sau điều trị u máu thể hang mà thay đổi thời tiết vẫn có thể đau đầu và kể cả các u khác đôi khi cũng đau đầu, cơ thể dần dần sẽ hết dần
- Hỏi: Sau xạ phẫu Gamma vẫn khó nghe (Đ.T.L.H, U dây VIII)
- Trả lời (ThS. Bs. Vương Ngọc Dương): tôi được Giáo sư Khoa phân cho điều trị U thần kinh VIII từ cách đây khá lâu, còn TS. Nguyễn Quang Hùng thì điều trị u thân não rất là khó. Còn u dây VIII thì ở Bạch Mai tôi đã tổng hợp ra gần 200 ca, 200 bệnh nhân thì số liệu rất là lớn. Các bác phải hiểu là điều trị U dây VIII trông thế thôi nhưng mà nó rất khó. Có nhiều bệnh nhân đến đây là đã đi mổ bên Mắt về và bị liệt mặt, như vậy tuy chưa tử vong ngay nhưng chất lượng sống rất là kém do mình không có cái điện cực để đánh kích vào cái dây VII để mình mổ. Nói chung là trong điều trị U dây VIII nói riêng và một số u lành ở trong não nói chung thì trong tất cả các sách vở người ta không quan tâm đến vấn đề u tiêu hay gì mà người ta chỉ dùng là “kiểm soát u” - kiểm soát u là u không phát triển hoặc phát triển không quá 105% thể tích ấy, nó có thể hơi to một tí khoảng 5% thôi thì nó vẫn được coi là kiểm soát u và bệnh nhân có chất lượng sống với cộng đồng là chấp nhận được. Cái thứ hai người ta quan tâm nữa là bảo tồn chức năng nghe tức là chức năng nghe của mình đến thời điểm gặp bác sĩ ví dụ như tôi chức năng nghe là 10, bệnh nhân đến gặp bác sĩ chức năng nghe là 5 chẳng hạn thì theo năm tháng điều trị ví dụ là 3 năm thì cái khả năng bảo tồn nó là 70% ví dụ như 4 năm sau còn 3,5. Đặc tính của cái xạ phẫu cho những bệnh nhân này là người ta phải khám nội ngoại cẩn thận, nội khoa điều trị hoặc nội khoa thần kinh. Khi mình có những trục trặc phải điều trị bằng thuốc như bác thì phải mắc bệnh này nếu so với những bệnh ở khoa này toàn là những bệnh hiểm nghèo thì bệnh này của này của bác tiên lượng nó khá là tốt nhưng bản chất nó vẫn là u não thì nó vẫn có vùng thương tổn, khi mình điều trị để cho nó không phát triển, để giữ tính mạng hoặc để kéo dài năm sống, bên cạnh đó nó có những cái thiếu hụt về chức năng thần kinh thì về tập luyện nó còn liên quan đến khoa phục hồi chức năng tức là ảnh hường vùng nào ta phải tập phục hồi chức năng vùng đấy để bù đắp lại. Khi cứu một chức năng nào đấy bằng cách ta lấy những chức năng khác bù lại do vậy không có một cái gì trên thần kinh mà nó hoàn hảo đến mức mà không có biểu hiện gì, ít nhất là cũng có phải đau đầu, chóng mặt nôn ọe khi trở trời. Vì thay đổi thời tiết nên tuần hoàn cung cấp khác nhau cho cơ thể nên vùng não khi bị tổn thương là nó dễ bị kém cỏi hơn vùng não khỏe mạnh. Cái gì nguy hại người ta phải lường trước để tránh rủi ro còn những cái mà nó gây cho mình khó chịu trong cuộc sống thì người ta phải dùng các biện pháp như thuốc men, tập luyện, phục hồi chức năng để bù trừ để làm sao cho nó phục hồi chung dần làm sao để cho nó hòa nhập được với cuộc sống của chúng ta thì đã coi như là bình thường rồi. Đó là cách làm việc chung cho những bệnh nhân xạ phẫu gamma, có những bệnh nhân 5-7 năm vẫn còn triệu chứng nhưng chúng ta đã hòa nhập với cuộc sống thì cũng coi như là bình thường rồi và đôi lúc cũng cần cần thuốc men tùy theo tình hình lúc đấy chứ còn bảo hoàn toàn không có một triệu chứng gì thì nó ít lắm. Người ta đã phải lường trước cái gì nguy hiểm, ảnh hưởng tính mạng và ảnh hưởng đến chức năng thần kinh.
- Hỏi: U dây thần kinh VIII,tôi đi khám 10/6/2016 thì là khối U đang hoại tử nên tôi tê mặt và ngứa, nhai thì khó khi ăn. Hướng điều trị là như thế nào? Còn phần hoại tử thì sau nó có tiêu đi hay phải dùng kháng sinh gì không? (V.N.K, 45 tuổi, xạ phẫu tháng 10/2015, U dây VIII)
- Trả lời (TS. Nguyễn Quang Hùng): Dùng thuốc, mát xa và trị liệu nó sẽ bớt đi. Hoại tử thì dần dần nó cũng sẽ tiêu nhưng tiêu nhiều gây nguy hiểm, vì những thành phần hóa học quan trọng bị hủy hết thì khó ổn định lại do vậy nó chỉ cần tiêu từ tự, chầm chậm thôi
Bất kể vấn đề là khối u mất đi thì người phải sống chứ khối u mất đi mà người chết thì mất làm gì. Thế nên tùy theo khối u ở chỗ nào ảnh hưởng tới tính mạng hay không thì chúng tôi sẽ cân nhắc liều điều trị cho hợp lý nhất. Chúng tôi muốn cứu tính mạng của các bác, muốn khống chế được khối u lại muốn nó biến mất thì nó là cả một cân não rất là lớn. Ở những chỗ nguy hiểm nếu chúng tôi đưa liều cao vào thì sẽ ảnh hưởng tới tính mạng nên chúng tôi chỉ đưa liều làm sao để khống chế được nó thôi vậy thì trong trường hợp khối U đã hoại tử (hoại tử giống như quả cà chua thối dần ra) tức là tác dụng của tia nó đã khống chế mạch nuôi dưỡng rồi nên nó sẽ chết. Có những loại khối u nó to quá thì nó sẽ hoại tử bên trong trước
Ngoài ra, cuối buổi tọa đàm Bệnh nhân và người nhà đều đã đánh giá quan điểm cá nhân về buổi tọa đàm dựa vào phiếu điền và chúng tôi tổng hợp lại được các kết quả như sau:
- 100% đối tượng đều trả lời buổi gặp mặt rất hữu ích cho bệnh nhân
- 100% đối tượng đều trả lời muốn tham gia nếu có buổi tọa đàm tiếp theo
- Ngoài ra một số đánh giá sâu của mỗi bệnh nhân/người nhà được liệt kê như dưới đây:
- Buổi tọa đàm hôm nay các giáo sư, bác sĩ rất nhiệt tình giải thích và trình bày.
- Buổi tọa đàm này vô cùng giá trị, tổ chức có khoa học trình bày dễ hiểu giúp tôi đã hiểu biết hơn về xạ phẫu dao Gamma quay
- Hiểu hơn về nguyên nhân của bệnh, quá trình điều trị và diễn biến của bệnh
- Giúp tôi yên tâm hơn về các triệu chứng phụ, yên tâm hơn về bệnh của mình và kiên trì chữa bệnh theo những chỉ dẫn của Bác sĩ
- Giải đáp được những thắc mắc về bệnh của mình mà trước giờ chưa giải thích được và không còn lo lắng quá, thấy yên tâm hơn về bệnh của mình
- Biết cách phòng ngừa biến cố có thể xảy ra
- Giúp người nhà nắm được cách điều trị cho Bệnh nhân
- Gửi lời cảm ơn tới các Bác sĩ vì đã cho bệnh nhân có thêm niềm tin vào cuộc sống
- Buổi tọa đàm Bác sĩ làm việc với tinh thần tận tụy, nhiệt tình, hòa nhã, kiên trì, chia sẻ với những lo lắng, băn khoăn của người bệnh
- Buổi tọa đàm rất tốt cho những người bệnh cùng loại bệnh gặp và trao đổi cùng nhau
- Nếu có thể đề nghị trung tâm có trang Web riêng cho các Bệnh nhân trao đổi thường xuyên hơn
- Mong có nhiều Bác sĩ tham dự hơn để tôi có thể gặp được Bác sĩ điều trị của mình
- Mong bác sĩ trả lời sâu sát hơn, chia theo nhóm các vấn đề để tránh trùng lặp
- Mong có nhiều buổi tọa đàm hơn nữa để bệnh nhân hiểu rõ thêm về căn bệnh của mình và biết cách điều trị
Cuối cùng, buổi tọa đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp cho cả bệnh nhân và ban tổ chức. Lịch tổ chức tiếp theo sẽ được thông báo trực tiếp cho từng bệnh nhân, người nhà và sẽ được cập nhật lên website: www.ungthu.net.vn hoặc www.med-aid.vn
Lê Thị Mơ
Bình luận
Cảm ơn tác giả
Bài viết hay
Tọa đàm famma nife